Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần và Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần 

Trước khi bước vào lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, ông Nguyễn Khắc Thuần từng làm việc tại Báo Văn nghệ giải phóng trong thời kỳ chiến tranh. Sau năm 1975, ông giảng dạy về lịch sử - văn hóa, là giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM. Tuy đã về hưu nhiều năm nhưng ông vẫn được mời làm Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Bình Dương. Ông được một số trường đại học nước ngoài phong học hàm giáo sư, nhưng ở trong nước thì chưa được phong. Ông thường vui vẻ yêu cầu: “Xin hãy gọi tôi là Nhà sử học hay Nhà văn hóa học”.
Tuy vậy, nhiều người vẫn nghiễm nhiên tôn xưng ông là “giáo sư Nguyễn Khắc Thuần” mà chẳng hề có ý kiến phản đối. Và chắc ông cũng là người duy nhất ở Việt Nam không có bằng tiến sĩ mà vẫn là người thầy đáng kính của bao nhiêu vị tiến sĩ! Đó là bởi uy tín rất lớn của ông với kiến thức uyên thâm trong nghiên cứu, giảng dạy và những công trình đồ sộ.



Ông là tác giả của 313 cuốn sách đã xuất bản và được tái bản nhiều lần. Trong đó có nhiều tác phẩm lớn và nổi tiếng như Việt sử giai thoại (8 tập); Danh tướng Việt Nam (5 tập); Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (5 tập); Trông lại ngàn xưa (3 tập); Thế thứ các triều vua Việt Nam; Đại cương lịch sử cổ trung đại Việt Nam; Các đời đế vương Trung Hoa…Ông còn dịch và hiệu đính rất nhiều tác phẩm khác, đáng kể nhất là bộ sách Lê Quý Đôn tuyển tập. Đặc biệt, hai bộ sách Lịch sử văn hóa Việt Nam dày hơn 3.000 trang và Lê Quý Đôn tuyển tập gồm bốn cuốn, dày hơn 5.000 trang của ông đã được công nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2011.

Để có được những công trình để đời đó, ông đã miệt mài làm việc không ngưng nghỉ. Ngay cả khi đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, thời gian biểu của ông vẫn rất sít sao mà tác phong vẫn nhanh nhẹn, đầu óc vẫn minh mẫn lạ lùng. Trong đời thường, nhà học giả uyên bác và nổi tiếng này rất vui tính, dễ mến với lối giao tiếp lịch thiệp mà hài hước, dí dỏm.

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai 

Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Đại học Tổng hợp TP. HCM và đi dạy, bà Lý Thị Mai theo học chương trình Cao học ngành lịch sử. Rồi bà tham gia khóa Đào tạo sau đại học về Tâm lý trị liệu gia đình tại Vương quốc Bỉ và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Bà đã nhiều năm giảng dạy tại các trường học và rất nhiều khóa học phục vụ cộng đồng. Hiện bà là giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Tâm lý học ứng dụng. Đồng thời là chuyên gia tư vấn tâm lý trong nhiều chương trình trên các đài phát thanh, truyền hình TP. HCM và các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu...Bà cũng là người phụ trách chuyên mục tư vấn tâm lý cho nhiều tờ báo. Những chương trình của bà hoặc có bà tham gia đều mamg ý nghĩa xã hội thiết thực, tính nhân văn cao nên có sức thu hút lớn với công chúng.


Lời nhắn nhủ cũng là sự đúc kết giản dị mà sâu sắc của bà là: “Bài học lớn lao nhất của cuộc sống chính là ở chỗ người ta không rút ra từ cuộc sống những bài học”. Những tác phẩm “gỡ rối tơ lòng” của bà, đặc biệt là bộ sách “Trò chuyện với chuyên gia tâm lý” gồm 5 tập, đều là những bài học quý, những cẩm nang rất bổ ích giúp cho mỗi người, mỗi gia đình, nhất là các bạn trẻ xây dựng được những kỹ năng sống tốt để đạt tới hạnh phúc và thành công.

Vì những đóng góp lớn đó, với tư cách là giám đốc Công ty Tâm lý học ứng dụng, bà đã vinh dự được bình chọn là một trong 10 gương mặt đứng đầu danh sách “Top 100 Phong cách doanh nhân 2012”. Bà còn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xã hội và đảm nhận những vị trí công tác quan trọng khác. Bởi vậy, bà Lý Thị Mai được nhiều người biết đến và quý trọng là một chuyên gia tâm lý nổi tiếng, chứ không chỉ là “phu nhân của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần”.

Và “hai bác Thuần, Mai” 

Ông Nguyễn Khắc Thuần từng chia sẻ: “Tôi may mắn được trời ban cho người bạn đời rất hợp ý nguyện của mình. Nhà tôi ngày nào cũng làm việc từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm với hàng loạt công việc khác nhau như dạy học, nói chuyện chuyên đề, giám đốc công ty tâm lý học ứng dụng, ghi âm và ghi hình cho các đài phát thanh, truyền hình, viết báo, rồi viết sách…Nhưng sự quan tâm trước nhất, lớn nhất vẫn là dành cho tôi. Lịch làm việc của nhà tôi cũng chi chít những nội dung phải giải quyết như tôi, nhưng còn có thêm những dòng “rất phụ nữ” như ngày giờ đi siêu thị, chồng mặc áo quần màu gì và đeo cravate nào, dặn cháu giúp việc và lái xe điều gì… Bận bịu như thế nhưng chỉ trong 20 năm gần đây, nhà tôi đã xuất bản 17 cuốn sách và hiện có 2 cuốn đã hoàn tất bản thảo..”.

Một nhà sử học và một chuyên gia tư vấn tâm lý, họ sinh ra như để dành cho nhau vậy. Quả thực, không chỉ có kiến thức chuyên môn và sức làm việc rất đáng nể mà hạnh phúc của gia đình học giả này cũng rất tuyệt vời. Ba mẹ tôi vẫn nói vui mà rất thực rằng: “Vợ đó chồng đó thì chẳng thể giận nhau được lâu!”. Từ khi tôi còn nhỏ tới giờ, mỗi mùa xuân mới hay những ngày kỷ niệm của gia đình tôi đều là dịp sum họp vui vẻ cùng những người bạn thân thiết. Trong đó, “hai bác Thuần, Mai” luôn là cái tên được nhắc tới đầu tiên.

 Hai bác dành cho anh em tôi tình cảm yêu thương, sự quan tâm, dìu dắt cả về học tập, làm việc cũng như ứng xử trong cuộc sống. Ngày tôi lên đường đi du học, kỳ nghỉ về thăm nhà, ngày bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ, và được Đại học URH. SCI. phong học vị Phó giáo sư, rồi ngày cưới của tôi…hai bác đều có mặt. Vui vẻ đưa, đón và chúc mừng với những lời khuyên bảo, dặn dò ân cần mà tôi không thể nào quên. Khi tôi đã trưởng thành, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần vừa là người thầy đáng kính vừa là “sếp” của tôi ở Khoa Việt Nam học, trường Đại học Bình Dương. Còn chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai thì như cô giáo, như người mẹ thứ hai, dẫn dắt vợ chồng tôi từng bước trên con đường đầy bỡ ngỡ xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Tôi yêu mến, kính trọng những bậc thầy của mình, nhưng vẫn thích được gọi họ là “hai bác Thuần, Mai” một cách bình dị mà thân thương, gần gũi hơn nhiều!

Tiến sĩ Bùi Việt Hải
Nguồn: http://www.buiviethai.com/2012/10/nha-su-hoc-nguyen-khac-thuan-va-chuyen.html